Bài đăng nổi bật

ẢNH VÀ ĐỒ HOẠ CHO WEB

17/3/15

Một vài thủ thuật viết lách

Show, don’t tell (không kể lể dài dòng)
Khi kể chuyện, mình nên chỉ cho bạn đọc thấy nhân vật, ít kể lể, gọi là “show, don’t tell”. Thay vì nói đó là một người cao lớn, ta sẽ nói ông ấy cao 1,7m. Hãy để cho nhân vật tự thể hiện. Hoặc về ông Khiêm, ta viết ông luôn tìm tòi chó đẹp và đang nuôi hai con chó Phú Quốc, như thế chứng tỏ ông rất yêu chó. Đó cũng là kỹ thuật của nhà văn.
Đôi khi phải trích nguồn, nhưng không cần trích nhiều.
Tôi có anh bạn nhà báo Pháp tên là François Simon. Anh viết phóng sự rất hay. Một số bài của anh được đưa vào sách giáo khoa báo chí. Cái vui là anh viết phóng sự về tôi nữa.
Trước đây, tôi thi đậu tú tài Pháp nhưng chỉ nhận chứng chỉ tạm, chưa kịp lấy bằng chính thức vì trường Pháp đóng cửa. Nhiều năm sau đó, khi đi tu nghiệp bên Pháp và thực tập tại một toà báo ở Rennes, tình cờ, tôi được biết Sở học chánh của Thành phố quản lý tất cả các trường Pháp ở châu Á. Ở đấy, họ lưu hồ sơ rất kỹ.
Tôi đến hỏi về việc lấy bằng và gặp một phụ nữ có cái tên rất phù hợp:
Letardif, tức “trễ nải”. Vừa nghe trình bày xong, bà nói ngay:
-  Trời ơi! Ông ơi, chúng tôi đã chờ ông ba chục năm nay rồi. Bằng cấp của ông vẫn ở đây. Tại sao không viết thơ để chúng tôi gởi qua?
-  Tôi đâu có biết, tôi phân trần.
-  Thôi được rồi. Ba bữa nữa ông tới.
Ba hôm sau, cùng anh François, một người bạn ở báo Tuổi Trẻ và một phóng viên ảnh, tôi quay trở lại. Bà Letardif nói vài lời đại ý chúc mừng, rồi trao bằng.
Anh François về viết bài phóng sự ngắn sáu trăm chữ, kèm hình do phóng viên ảnh đi theo chụp. Thế là tôi nổi tiếng được một ngày ở cái thành phố Rennes nhỏ đó.
Ngày hôm sau, khi tôi ra đường thì có người nhận ra:
-  Monsieur le bachelier! Họ chào tôi như vậy.
Họ đọc báo, thấy hình, nên họ đã nhận ra ông tú tài ba mươi năm sau mới đi lãnh bằng.
Nhiều chi tiết, ngửi, nếm, sờ mó, nghe, thấy
Cần quan sát nguyên mẫu, tức nhân vật của mình để tìm thông tin chi tiết. Ta quan sát bàn tay, khuôn mặt, cách ăn mặc, tìm những chi tiết về giác quan: ngửi, nếm sờ,... giống như nhà văn với nhân vật của họ.
Đương nhiên không nên sờ tay chân hay dùng lưỡi ... nếm người nhân vật. Nhưng nhân vật xức nước hoa gì mà mình không biết thì cứ hỏi. Lắng nghe không thôi chưa đủ, mà còn phải dùng cả các giác quan của mình để tìm hiểu nhân vật; nói chung là phải quan sát cho kỹ. Nhiều người nhìn nhưng không thấy gì cả.
Văn phong phù hợp
Các bạn cũng phải lựa chọn văn phong phù hợp, thậm chí phải tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hoá thì mới viết hay được. Gần đây, có lẽ các bạn đã thấy xuất hiện một số “thảm họa dịch thuật”. Việc này là do người dịch, ngoài việc chưa đủ trình độ còn không hiểu rõ phong tục, tập quán, văn hóa của người bản xứ, nên đã vấp phải những lỗi rất ngờ ngệch, không thể chấp nhận được.
Ngôn ngữ dễ hiểu
Bây giờ, trên các tờ báo Việt Nam có một loại văn rất bí hiểm. Đó là văn kinh tế. Những bài báo về kinh tế khiến đa số người đọc cảm thấy rất khó hiểu. Tại sao vậy? Vì tác giả đã lạm dụng thuật ngữ kinh tế. Các bạn nên nói về các lĩnh vực chuyên môn bằng ngôn ngữ đời thường, gần gũi, đơn giản, không nhất thiết phải dùng thuật ngữ của chuyên gia. Một bài viết mà độc giả không hiểu sẽ mất đi hiệu quả truyền thông.
Không qua loa
Muốn kể chuyện hay ta phải chịu khó, phải dụng công, sửa tới sửa lui bài; không thể qua loa.
Hễ đã làm nghề báo thì luôn phải chịu khó, chịu cực. Nghề này là nghề của những người - dùng chữ của nhà văn Lê Đạt - “phu chữ” có lẽ cũng không sai. Chúng ta đều là phu phen hết.
Tránh nhàm chán
Có những truyện của nhà văn nước ngoài dày 500, 700 trang. Đó là loại truyện “livre de poche” khổ nhỏ bằng nửa cuốn tập. Và họ viết không chỉ một cuốn, mà mười mấy cuốn. Đúng là họ gánh chữ quanh năm suốt tháng. Có lẽ không phải vì danh vọng và giàu sang, mà chắc phải yêu thích ghê gớm mới gánh được.
Có một nhà văn mới của Mỹ là John Grisham. Ông đã viết gần hai mươi tác phẩm, và mỗi tác phẩm luôn dày từ 500, 700 trang. Ông là luật sư, chuyển nghề. Ông kể chuyện giới luật sư và tội phạm cực kỳ hay. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim, chẳng hạn, cuốn “Hãng luật” (The Firm). Đây là truyện kể về một luật sư tốt nghiệp thủ khoa trường Luật Harvard được một hãng luật nhận vào làm, được cho nhà, cho xe. Anh chuyên nghiên cứu cách lách thuế cho các doanh nghiệp mà hãng luật này tư vấn. Sau đó anh khám phá ra rằng hãng chuyên giúp đỡ cho Mafia. Rồi FBI đã móc nối để anh làm tay trong, tuồn tài liệu mật ra cho họ. Cuối cùng, lãnh đạo hãng luật bị bắt còn nhân vật chính thì trốn đi.
Cốt chuyện như vậy thật đơn giản nhưng truyện lại dày gần 500 trang. Đây chính là một phóng sự dài với nhiều nhân vật. Những truyện của Grisham đều rất lôi cuốn. Một số đã được dịch ... lậu ra ra tiếng Việt.
Một ví dụ khác: nữ văn sĩ Anna Moi, Việt kiều ở Pháp. Cô về Việt Nam từ hơn 20 năm nay. Tự nhiên ngày nọ cô nhận thấy mình thích viết văn. Cô viết bằng tiếng Pháp và kể truyện Việt Nam, trong đó có truyện tù Côn Đảo. Hai nhà xuất bản lớn ở Pháp là Gallimard, Flammarion đã in sách của cô. Báo Tuổi Trẻ cũng từng viết về cô.
Hiện Anna Moi không ở TP.HCM nữa mà ở Hội An, được chừng năm năm rồi. Cô vẫn viết đều.
Học ở truyện cổ tích
Phóng sự gần với văn chương, chỉ khác chỗ mình viết về người thật việc thật. Muốn viết phóng sự cho hay cũng cần học cách kể truyện cổ tích. Ví dụ truyện “Ăn khế trả vàng” có cốt truyện, câu chuyện và ý nghĩa luân lý: tham lam thì chết. Bây giờ nhiều người chết vì cố tình hoặc vô ý tham lam. Ông bà mình nói “tham thì thâm”.
Chúng ta hãy thử đọc lại truyện cổ tích, hoặc truyện cổ tích viết lại cũng được.
Ví dụ: truyện Tấm Cám thời hiện đại. Trong một ngôi biệt thự bên hồ Tây, Hà Nội có cô gái mồ côi cha, sống chung với hai mẹ con người dì ghẻ. Cô tên Tấm, em tên Cám. Cám và mẹ đi xe hơi Mercedes (hoặc Rolls-Royce) đời mới nhất. Còn Tấm thì phải ì ạch với chiếc xe đạp cà tàng. Tuy cũng được cho đi học, nhưng thời gian còn lại Tấm phải đầu tắt, mặt tối làm tất cả việc nhà. Vậy mà cô vẫn thường xuyên bị dì ghẻ mắng nhiếc.
Thế nhưng, cuối cùng cuộc đời đảo ngược. Tấm lấy được anh chồng giàu sang và sống một cuộc đời hạnh phúc. Chồng cô là giám đốc, làm ăn rất giỏi ở Kiên Giang. Trong khi hai mẹ con dì ghẻ từ sung sướng lại trở thành người giúp việc trong gia đình của cô con ghẻ. Tấm là người nghèo khổ nhưng sống tốt, tất nhiên được hưởng phước.
Nếu các bạn viết bài kể chuyện hay thì sẽ được nhiều báo chọn đăng.
Việt Nam có vô vàn những câu chuyện hấp dẫn như Tấm Cám, Ăn khế trả vàng, Cây tre trăm đốt. Do chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên dân ta cũng rất thích truyện Tàu, trong đó có Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Thủy Hử, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Truyện của họ nhiều đến nỗi các hãng phim ở Hồng Kông, Đài Loan khai thác hoài mà không hết.
Tượng Nguyễn Trung Trực trước cửa đền thờ Ông.Rạch Giá cũng có truyện. Như truyện anh hùng Nguyễn Trung Trực chỉ huy đánh tàu Esperance, đã được dựng thành phim.
Tàu Esperance được phục dựng kiểu mô hình để đóng phim về Nguyễn Trung Trực.
Ta có thể kể về Ông trên tư cách một người dân Kiên Giang thời hiện đại nhìn về quá khứ. Quan trọng là cách kể. Nhiều câu chuyện lưu truyền ngàn đời, giờ mỗi người kể một kiểu mà vẫn hay.
Ở bên Tây, thỉnh thoảng những truyện hoặc phim cũ lại được làm lại với tình tiết khác. Ví dụ truyện về James Bond nổi tiếng đến nỗi hiện một nhà văn khác là Sebastian Faulks đã viết tiếp về “Điệp viên 007” theo phong cách của tác giả Ian Fleming, người chết nghẻo cù đum từ hồi nẫm rồi (năm 1964). Phim về James Bond cứ tiếp tục được tung ra các rạp. Và bộ phim mới nhất về điệp viên Anh này là “Skyfall”, do Neal Purvis và Robert Wade viết và John Logan viết lại thành kịch bản. Người ta vẫn thích nghe, xem nhân vật huyền thoại ấy.

Năm 2014 còn có một bộ phim khác về nhân vật này, tên là “James Bond 24”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mới nóng